Tin Tức
Vụ 'dân mất mùa điều' ở Bình Phước: Thuốc trừ sâu cho lúa, tư vấn người dân phun cho... cây điều(?)
Ngày 31.7, báo Lao Động đăng bài: “Bình Phước: Dân mất mùa điều, vì nghe cán bộ khuyến nông”. Bài báo phản ánh nhiều hộ dân ở huyện Bù Đăng “ôm quả đắng”, khi nghe cán bộ khuyến nông, nhận thuốc bảo vệ thực vật về phun lên vườn điều, nhằm bảo vệ cây điều... Sau đó, cây điều không được bảo vệ mà còn bị rụng trái, rụng bông, cháy lá... và mất mùa
Làm trái chỉ đạo của UBND tỉnh
Mới đây, qua kiểm tra, xác minh sự việc, Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước đã kết luận bước đầu các sai phạm trong “hỗ trợ người trồng điều” theo phản ánh của báo chí. Xác minh tại hộ ông Hoàng Văn Thanh (thôn 3, xã Thống Nhất) được biết: Gia đình ông Thanh có vườn điều 1,6ha, được hỗ trợ 4 chai thuốc...
Nghe theo tư vấn của cán bộ xã và khuyến nông, ông Thanh pha toàn bộ thuốc vào 4 phuy nước (800 lít) và phun lên 1,6ha điều. Kết quả ông Thanh mất mùa điều. Tương tự, hộ ông Chung Đức Thắng có 1,8ha điều, cũng được hỗ trợ 3 loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh, dưỡng trái.
Ông Thắng cũng pha 4 phuy nước và xịt... Vườn điều ông Thắng cũng mất mùa... Xác minh tại nhiều hộ khác, Sở NNPTNT cũng nhận thấy kết quả tương tự. Theo Sở NNPTNT, quyết định 247/QĐ-UBND ngày 30.1.2018 của UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ bình quân 2 triệu đồng/ha. Hạng mục hỗ trợ là thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc bảo vệ bông và trái non theo quy trình cho niên vụ 2017-2018.
Tuy nhiên, UBND huyện Bù Đăng phê duyệt hỗ trợ bằng cho các hộ dân bị thiệt hại, theo bình quân từng hộ (500.000 đồng/hộ), mà không dựa vào diện tích điều thực tế của từng hộ, là chưa đúng với quyết định 247/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Phước (định mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha).
Tại sao tư vấn người dân phun thuốc trừ sâu cho lúa lên... cây điều?
Đánh giá việc chính quyền xã mua thuốc bảo vệ thực vật về phát, tư vấn cho các hộ dân phun lên vườn điều; Sở NNPTNT cho rằng “nguyên nhân điều khô cháy bông và trái non, năng suất thấp... do xịt thuốc bảo vệ thực vật được hỗ trợ là chưa có cơ sở khoa học, vì chưa được kiểm chứng thực tế”.
Tuy nhiên, Sở NNPTNT lại kết luận việc các xã phát 2 loại thuốc Kasakiusa I30EW và Cadicone 200EC để xịt trên cây điều là “không đúng theo đối tượng cây trồng được đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam (2 loại thuốc này chỉ đăng ký trên cây lúa) và không đúng theo hướng dẫn về phòng chống sâu, bệnh hại trên cây điều...”.
Sở NNPTNT làm việc với ông Huỳnh Giang - Trưởng trạm trồng trọt - bảo vệ thực vật huyện Bù Đăng. Ông Giang cho biết: Ngoài xã Thống Nhất và xã Nghĩa Bình, các hộ dân xã Đồng Nai, Thọ Sơn, Đoàn Kết cũng được hỗ trợ thuốc Kasakiusa I30EW. Tại xã đường 10, đổi loại thuốc trên sang thuốc sâu Cadicone 200EC gây cháy bông và trái non trên cây điều...
Không chỉ 2 loại thuốc trên, tại một số xã khác của huyện Bù Đăng, người dân còn được cán bộ phát một số loại thuốc khác về để phun lên vườn điều gồm: Tovil 50SC (dùng chữa bệnh vàng rụng lá, rỉ sắt trên cây caosu và càphê), Pertox 5EC (thuốc trừ sâu, dùng diệt bọ trĩ, sâu cuốn lá và sâu đục thân trên cây lúa), Annongvin (dùng trị lem lém trên lúa, vàng lá, rỉ sắt, thán thư trên cây xoái, nấm trên cây cà phê”...
Các loại thuốc trên hoàn toàn không có tính năng nào sử dụng cho cây điều. Theo ông Huỳnh Giang: “Trạm trồng trọt - bảo vệ thực vật không hề biết, do đồng chí Linh - Trạm Khuyến nông tự ý làm, đưa thuốc từ dịch vụ khuyến nông về bán cho các xã, mà không thông qua bàn bạc với tổ chống dịch của huyện và đặc biệt, là Trạm trồng trọt - bảo vệ thực vật là tổ phó trực của huyện, cơ quan chuyên ngành quản lý thuốc bảo vệ thực vật và phân bón”.
Cao Hùng (Báo Lao Động)
Các tin khác
- Danh mục thuốc trừ ốc được phép sử dụng tại Việt Nam (25/03/2023)
- Bo (B) VÀ VAI TRÒ VỚI CÂY TRỒNG (13/02/2023)
- GS Võ Tòng Xuân: Sử dụng 40% lượng phân bón, giá thành sản xuất giảm 50% (01/11/2021)
- Công bố Báo cáo tổng quan nông nghiệp số Việt Nam 2021 (12/07/2021)
- Hội nghị sơ kết trồng trọt vụ đông xuân khu vực Nam bộ 2018-2019 (25/04/2019)